Thế giới ngày càng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là với sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo đã khiến cho nhiều người trong đủ mọi ngành nghề cảm thấy khẩn trương và lo lắng với nỗi sợ bị thay thế, và biên phiên dịch cũng không ngoại lệ.
Các bạn có thể đọc qua về mối quan hệ giữa công nghệ và dịch thuật ở đây:
Và bí quyết chung để có cơ hội đứng vững trước sự thay đổi của xã hội, chính là luôn cố gắng tự trau dồi năng lực của bản thân. Ở bài viết này chúng mình xin giới thiệu một số tips hữu ích, ‘‘nhỏ và có võ’’để chúng ta từng chút một vững chắc trên con đường hành nghề biên phiên dịch nhé.
Luôn chuẩn bị và tra cứu trước khi “xông trận”
Abraham Lincoln – Tổng thống đời thứ 16 của Hoa Kỳ, người đã xóa bỏ chế độ nô lệ – từng nói “Nếu cho tôi 6 giờ để đốn hạ một cái cây, tôi sẽ dành 4 giờ đầu để mài sắc lưỡi rìu.” Ngụ ý câu nói nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc chuẩn bị và dành thời gian tập trung cho điều bạn muốn làm tốt nhất. Vậy thì người phiên dịch sẽ chuẩn bị những gì?
Đầu tiên là nghiên cứu tài liệu và chương trình, bao gồm các khách mời sẽ tham dự, nội dung nói, chủ đề, tính chất, ý nghĩa và quy mô sự kiện. Việc phiên dịch cho một hội thảo khoa học giữa các nước trong khu vực và Việt Nam sẽ hoàn toàn khác so với một buổi lễ ra mắt/khởi động cuộc thi môi trường hay khai màn tuần lễ biểu diễn thời trang. Việc dành một chút thời gian để đọc tài liệu và highlight điểm nhấn sẽ rất cần thiết và hữu ích để bạn có thể dịch trơn tru và liền mạch vào buổi chính thức. Đối tác sẽ rất hài lòng và đánh giá cao về năng lực và sự tận tâm của bạn.
Tiếp đến đó là tra cứu từ vựng và ngữ pháp theo ngữ cảnh thật kỹ lưỡng. Nếu bạn không nhớ chính xác các nghĩa lóng hoặc không rõ bối cảnh ngữ nghĩa, thì hãy dùng các trang từ điển tin cậy để tra cứu. Bởi vì tùy trường hợp mà chỉ cần sai một từ sẽ có thể rơi vào hoàn cảnh “sai một li, đi một dặm”.
Cuối cùng là luôn đến đúng giờ và đừng bỏ lỡ buổi tổng duyệt khi có thể. Bên cạnh việc trở nên xuất sắc trong phần trình bày và phiên dịch thì sự chuyên nghiệp càng không nên bỏ sót. Bạn có thể đến sớm hơn một chút để chuẩn bị, test kỹ thuật và âm thanh, trao đổi trước các ý chính và cập nhật thay đổi với ban tổ chức, đồng thời dễ dàng xử lý nếu xảy ra sự cố bất ngờ. Với các sự kiện tầm cỡ quốc tế và quy mô lớn, bạn có thể phải tham gia tổng duyệt trước cùng với ekip để đảm bảo khi chính thức chạy chương trình, mọi thứ đều nhịp nhàng và sắp xếp theo đúng lịch trình (agenda). Điều này vì sẽ giúp bạn học hỏi được rất nhiều điều từ các góc độ khác nhau.
Học từ mới mỗi ngày
Vốn từ vựng “dày dặn” là điều cần thiết vì ngôn từ chính là sợi dây kết nối gần xa mọi tâm giao. Việc học từ mới không chỉ giúp bạn mở rộng kho từ vựng “đồ sộ” mà còn giúp bạn ghi nhớ lâu hơn và dùng từ linh hoạt hơn cho các ngữ cảnh khác nhau.
Vậy học bao nhiêu từ mới mỗi ngày là đủ? Câu trả lời tùy thuộc vào điều kiện, khả năng và thời gian và cách thức của từng người. Bạn có thể bắt đầu từ một từ mỗi ngày và một từ bạn sẽ học được 30 từ trong 1 tháng, hoặc sau đó nếu cừ hơn, bạn có thể nâng lên từ 3 – 5 từ/ngày. Các nguồn học từ mới đến từ việc đọc sách, xem phim, nghe nhạc, lắng nghe các buổi thuyết giảng, trở thành khán giả ở các buổi phiên dịch, gặp gỡ bạn bè, trải nghiệm cá nhân,…
Những thứ bạn cần là một cuốn sổ ghi chép, bút nhiều màu để ghi chú ý nghĩa cách dùng, phần nghĩa và đặt câu chứa từ vựng đó. Đối với tiếng Anh, các bạn có thể tận dụng các ứng dụng hữu ích như Quizlet, EJOY English, 4English,… Còn với tiếng Nhật các bạn có thể xem kênh youtube của NHK, TBS, NTV, Asahi …
Và bên cạnh việc mỗi ngoại ngữ cũng đừng quên mất tiếng Việt nhé! Vốn tiếng Việt càng “giàu có” thì càng tạo nên tính mượt mà, đa sắc màu và cảm xúc cho người nghe khi diễn giải và phiên dịch.
Làm việc với tâm thế “Luôn luôn lắng nghe và tiếp thu”
Khi làm mọi việc với tâm thế “luôn luôn lắng nghe và tiếp thu” là lúc bạn học được nhiều nhất. Không chỉ vậy, nó giúp bạn không bị “vướng kẹt” trong hố sâu lỗi sai của bản thân.
Đơn giản đó là bạn muốn mở rộng và sẵn sàng học hỏi ở bất cứ đâu và khi nào. Bạn vui vẻ lắng nghe mọi sự phản hồi, góp ý từ phía khách hàng, đối tác và đồng nghiệp cũng như học từ kinh nghiệm của những người đi trước như sếp của mình. Ngoài ra, các hội nhóm biên phiên dịch ngoại ngữ là nơi các thành viên chia sẻ các câu chuyện dịch thuật và bí quyết đã “tích cóp” suốt nhiều năm làm việc. Các trung tâm dịch thuật lớn và uy tín cũng thường xuyên “hội họp” offline và online, khi tham gia bạn sẽ được gặp gỡ những dịch giả lâu năm lẫn cả các bạn trẻ đầy năng lượng mới vào nghề. Một cơ hội học tập, trao đổi và kết nối, tại sao không nào?
Tổng kết:
Mỗi ngày tiến một tý và rồi bạn sẽ vượt qua chính mình nhiều hơn bao giờ hết. Việc không ngừng cố gắng đều đặn và chăm chỉ luôn là bí kíp “gia truyền” của mọi ngành nghề và nghề dịch cũng không ngoại lệ. Hy vọng với bài viết trên, bạn có thể “lượm lặt” nhiều điều bổ ích cho hành trình trở thành nhà biên phiên dịch của mình!
Bạn còn biết thêm tips nào xịn hơn không, đừng ngần ngại chia sẻ nhé!